rước khi đọc bài này, bạn nên tìm hiểu kĩ Cách viết tiêu đề phù hợp ở bài trước.
Thoạt đầu, các thẻ meta được dùng nhằm mục đích hiển thị nội dung thay thế cho website. Chúng ta sẽ tìm hiểu các loại thẻ meta cơ bản được liệt kê bên dưới, có kèm theo giải thích chi tiết về công dụng của chúng.
Meta Robot
Thẻ Meta Robot có thể được sử dụng để hạn chế hoạt động thu thập thông tin của spider tìm kiếm (của tất cả các công cụ tìm kiếm chính) theo cấp độ trang. Có vài cách sử dụng thẻ meta như sau:
- index/ noindex (Đánh Chỉ Mục/ Không Đánh Chỉ Mục) báo cho công cụ tìm kiếm biết liệu trang đó có muốn được thu thập và lưu trữ trong danh mục của công cụ tìm kiếm để hiển thị cho người dùng nếu họ truy vấn hay không. Nếu bạn chọn “noindex”, trang web sẽ bị loại khỏi danh mục của công cụ tìm kiếm. Theo mặc định, các công cụ tìm kiếm thường tự động đánh chỉ mục tất cả các trang chúng thu thập được, do đó việc sử dụng giá trị “index” nói chung là không cần thiết.
- follow/ nofollow (Đi Theo/ Không Đi Theo) báo cho công cụ tìm kiếm biết liệu các liên kết trên trang đó có nên được thu thập hay không. Nếu bạn chọn “nofollow”, công cụ tìm kiếm sẽ không thu thập hay xếp hạng các liên kết đó. Theo mặc định, tất cả các trang web đều có thuộc tính “follow”. Ví dụ: <META NAME=”ROBOTS” CONTENT=”NOINDEX, NOFOLLOW”>
- noarchive (Không Lưu Trữ) được dùng để ngăn công cụ tìm kiếm tiến hành lưu trữ bộ nhớ truy cập nhanh của trang (cache). Theo mặc định, các công cụ tìm kiếm sẽ lưu trữ bản sao của tất cả các trang này, người tìm kiếm vẫn có thể tiếp cận chúng thông qua liên kết “cache” trên kết quả tìm kiếm.
- nosnippet (Không hiển thị đoạn trích) báo cho công cụ tìm kiếm biết chúng sẽ không hiển thị văn bản mô tả kế bên tiêu đề trang và URL trong kết quả tìm kiếm.
- noodp/noydir là một thẻ chuyên dụng báo cho công cụ tìm kiếm biết chúng không nên dùng đoạn trích mô tả về trang đó từ Open Directory Project (DMOZ) hay Danh Bạ Yahoo! để hiển thị trên kết quả tìm kiếm.
Thẻ X-Robots-Tag của HTTP header cũng hoạt động theo các tiêu chí này. Kĩ thuật này rất hiệu quả cho các nội dung không thuộc tệp tin HTML, như hình ảnh.
Thẻ Meta Mô Tả
Thẻ meta mô tả là đoạn mô tả ngắn về nội dung của một trang web. Công cụ tìm kiếm không tính các từ khóa được đặt trong thẻ này để xếp hạng website, nhưng thẻ meta mô tả là thông tin đầu tiên được chọn để hiển thị trong đoạn trích bên dưới kết quả hiển thị.
Thẻ meta mô tả có chức năng quảng bá nội dung, lôi cuốn người dùng truy cập website của bạn nên do đó, nó đóng vai trò cực kì quan trọng trong lĩnh vực tiếp thị thông qua công cụ tìm kiếm. Tạo một đoạn văn mô tả dễ đọc, hấp dẫn, sử dụng các từ khóa quan trọng (để ý Google đã “in đậm” các từ khóa được dùng để tìm kiếm trong đoạn mô tả) có thể giúp gia tăng tỉ lệ nhấp chuột truy cập cho trang web của bạn.
Thẻ meta mô tả không giới hạn về độ dài, nhưng công cụ tìm kiếm chỉ hiển thị tối đa 160 kí tự nên tốt nhất bạn không nên vượt quá giới hạn này.
Nếu không có meta mô tả, công cụ tìm kiếm sẽ tạo đoạn trích mô tả dựa trên các yếu tố khác trên trang web. Với những trang web nhắm đến nhiều từ khóa và chủ đề thì cách làm này được xem là một thủ thuật hợp lí nhất.
Các thẻ Meta thứ yếu khác
Thẻ Meta Từ Khóa
Thẻ meta từ khóa từng được đề cao trước kia nhưng giờ thì không còn giá trị nào nữa. Để tìm hiểu thêm về quá trình “thoái vị” của thẻ meta từ khóa, bạn có thể đọc Meta Keywords Tag 101 của SearchEngineLand.
Meta refresh (thẻ khai báo thời gian tự động chuyển đến một trang khác), meta revisit-after (thẻ khai báo thời gian truy cập lại), meta content type (thẻ khai báo mã hiển thị ngôn ngữ cho website), vân vân.
Mặc dù những thẻ này vẫn có thể được sử dụng trong qui trình tối ưu hóa công cụ tìm kiếm, nhưng chúng chỉ có giá trị tương đối, tôi sẽ nhường phần giải thích chi tiết này cho Webmaster Tool Help của Google – xem Meta Tags.
Ở bài tiếp theo, chúng ta sẽ tìm hiểu cách xây dựng cấu trúc URL thân thiện.